Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Cổ nhân truyền lại

CỔ NHÂN TRUYỀN LẠI ĐẠO CỦA NGƯỜI KINH DOANH: THỦ ĐỨC, THỦ TÍN, THỦ THỜI, THỦ MƯU

1. Thủ Đức
Một doanh nghiệp khởi đầu từ con người và làm vì con người. Để đạt được cái Tầm thì trước tiên phải có cái Tâm, muốn lợi nhuận bền vững thì phải kinh doanh bằng phẩm Đức.

“Đức” nghĩa là lên cao. Đức có nghĩa là sự thăng hoa của luân lý, tiết tháo và phẩm hạnh. Khổng Tử cho rằng dù là bình dân, thương gia, quan lại, vua chúa đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Không kể có người đang dõi nhìn hay không, có pháp luật truy cứu hay không, hành vi của bạn nếu phù hợp với đạo trời, thì mới là “đức” thật sự.
Lão Tử lại nói: “Thiện nhất là nước”, lấy đức tính của nước làm cảnh giới cao nhất mà một người có thể đạt được.

Đức sinh dưỡng: Dung nạp và nuôi dưỡng tất cả, không phân biệt
Đức bao dung: Biển dung nạp muôn sông, có bao dung nên mới rộng lớn.
Đức xử thế: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Đức ở chỗ sâu: Tâm tính sâu sắc mà phong phú yên tĩnh.
Đức thuận thời: Mùa hè thì đổ mưa, mùa đông thì giáng tuyết
Đức thủ tín: Chảy qua muôn núi ngàn khe, không lỗi hẹn mà quay về biển cả.
Đức nhu cường: Mềm mại nhất, ôn nhu nhất, mà có thể mài mòn đá.

2. Thủ Tín
“Tín” nghĩa là thành thật, giữ lời hứa, không lừa dối.
Khổng Tử nói: “Con người mà không có chữ tín thì không biết lấy gì tạo lập chỗ đứng trong xã hội được. Như xe lớn không có đòn ngang, như xe nhỏ không có ách, làm sao có thể đi được?”

Kinh tế thị trường là một loại kinh tế theo khế ước, hợp đồng. Coi trọng chữ tín, coi trọng cam kết là phép tắc của kinh tế thị trường, là nguồn vốn vô hình của doanh nghiệp. Con người sống trong xã hội, bất kể là làm người hay làm việc đều phải giữ thành tín, tuân thủ cam kết, đã ký kết ắt tuân theo, đã hứa ắt thực hiện.

Chữ tín là mỹ đức truyền thống, là đạo đức công dân, là nền tảng cá nhân lập mệnh, là cái gốc của doanh nhân lập nghiệp, là quy phạm của sự vận hành xã hội, là phép tắc xử lý sự vụ của quốc gia. Có chữ tín thì sẽ đắc được. Người giữ chữ tín mới trường tồn.

3. Thủ Thời
“Thời” nghĩa là thời cơ, thời thế, xu hướng, cơ hội, cơ vận biến chuyển khôn lường.
Hành sự hợp thời, hành động thuận theo thời thế thì mới nắm bắt được cơ hội, mới đạt được thành công.

Thương thánh Phạm Lãi nói: “Thời chưa đến thì không thể gắng gượng cố làm. Sự việc chưa xét thấu đáo không thể gắng gượng làm mù quáng. Gặp thời cơ cần tích cực nắm bắt, thời cơ đã qua thì không trở lại. Thời sẽ có lúc ngược lại, sự việc sẽ có lúc gián đoạn. Do đó ắt phải biết đạo lý vĩnh cửu của trời đất thì mới thành công trong thiên hạ được”.
Thuận ứng theo thời thế, đến nay vẫn được coi là đạo lý kinh doanh mà các thương nhân vẫn tôn thờ tuân theo.

4. Thủ Mưu
Lo toan suy nghĩ về việc khó gọi là “mưu”. Như vậy mưu chính là lập kế hoạch, hoạch định mưu lược.
Sự việc có dự liệu trước thì sẽ nhiều cơ hội thành công, không có chuẩn bị trước thì sẽ dễ hỏng việc. Mưu tính trước thực hiện sau, khi thực hiện thì cần kiên trì có nghị lực.

Trong Thương Kinh “Tam mưu tam lược” ghi rằng:
“Nhân mưu, sự mưu, vật mưu: Con người cần chính ngôn và làm việc cần mẫn. Làm việc cần thực hiện tiết kiệm, tinh tế, dụng công và nghiêm cẩn. Hàng hóa cần hoàn mỹ, giá cả rõ ràng, sổ sách minh bạch.
Hóa lược, giá lược, thị lược: Hàng hóa yêu cầu hoàn mỹ, đánh giá đắt rẻ định giá, không để đọng tiền vốn”.
Cái đó gọi là tính toán trù bị nơi màn trướng, quyết thắng nơi ngàn dặm xa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét