4 DẤU HIỆU CHỨNG TỎ BẠN SINH RA LÀM LÃNH ĐẠO
------------------
Bạn có năng khiếu trong giao tiếp với mọi người và trong các mối quan hệ? Đó là một điểm khởi đầu tốt đấy! Bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân liệu mình có tố chất của một nhà lãnh đạo thực thụ không?
Có lẽ bạn đã từng tự vấn mình, nhưng câu hỏi đặt ra là nó dựa trên tiêu chuẩn nào? Mỗi năm có hàng ngàn cuốn sách viết về lãnh đạo được xuất bản, nhưng phần lớn trong số đó chỉ thay đổi lối diễn đạt và nhắc lại những điều cũ kỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Trong lãnh đạo điều gì là bất biến với thời gian? Câu trả lời chính là: Con người và các mối quan hệ. Và điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có năng khiếu bẩm sinh với cả hai. Bạn sẽ không phải là một nhà lãnh đạo nếu bạn không có hai thứ trên.
Và thực tế đã chứng minh, các nhà lãnh đạo vĩ đại luôn khát khao dẫn đầu bằng cách đáp ứng nhu cầu của những người đi theo họ. Bạn chẳng cần đến một cuốn sách nổi tiếng hay phải tham dự một khóa đào tạo chính quy tốn kém nào để có thể học được khái niệm này.
Nhưng bạn cần phải phát triển và đánh giá chính mình dựa trên các tiêu chuẩn của nhà lãnh đạo giỏi. Dưới đây là danh sách bốn đặc điểm tiêu biểu của một nhà lãnh đạo hàng đầu. Bạn có thấy bản thân mình trong những lời mô tả dưới đây không?
1. BẠN CÓ KHAO KHÁT GIÚP ĐỠ MỌI NGƯỜI TRỞ NÊN TỐT HƠN TRONG NHỮNG VIỆC HỌ LÀM
Một yếu tố cốt lõi của động lực nội tại, được mô tả trong cuốn sách kinh điển bán chạy nhất của Daniel Pink - Drive, đó là trở thành bậc thầy trong công việc của một người nào đó. Rõ ràng, điều này đòi hỏi sự tham vọng và nghị lực rất lớn để học hỏi và phát triển.
Khi đã làm được điều này, dấu hiệu của khả năng lãnh đạo tuyệt vời là sẽ tạo ra một tổ chức học tập dựa trên đóng góp kiến thức của mỗi cá nhân, chứ không phải như phân cấp tổ chức cổ điển, đó là dựa vào kiến thức của hệ thống phân cấp.
Các nhà lãnh đạo, những người đang tìm định hướng phát triển kỹ năng, năng lực và khả năng lãnh đạo của những người khác, có một lợi thế riêng biệt. Khi họ tạo ra khuôn khổ để mọi người phát triển và tiến bộ đến mức thành thạo thì động lực nội tại mà Daniel Pink nói đến sẽ được giải phóng.
Robert Greenleaf, người sáng lập phong trào lãnh đạo phục vụ hiện đại, đã viết trong cuốn sách “Servant Leadership” của ông: “Khi nhà quản lý doanh nghiệp, một người được khẳng định hoàn toàn có đạo đức kinh doanh được hỏi rằng 'Anh đang kinh doanh về cái gì?' câu trả lời có thể là: 'Tôi đang ở trong một doanh nghiệp với những người đang ngày càng phát triển bản thân mình - những người mạnh mẽ hơn, khỏe mạnh hơn, tự chủ hơn, tự tin hơn và có năng lực hơn. Tình cờ là, chúng tôi cũng tạo ra và bán những thứ giá trị mà những người khác muốn mua vì vậy chúng tôi có thể trang trải cho mọi chi phí.'"
2. ƯU TIÊN CAO NHẤT TRONG LÃNH ĐẠO LÀ BỒI ĐẮP LÒNG TIN
Ngày nay, các nhà lãnh đạo không thể chỉ dựa vào quyền lực để hoàn thành công việc. Môi trường làm việc hiện nay bình đẳng hơn, phân cấp, rải rác và thực tế. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, họ đang phải đối mặt với những thách thức kinh doanh đòi hỏi các cấp độ cao hơn về sự đổi mới, kiến thức và kỹ năng mềm.
Bằng cách nào để các nhà lãnh đạo có thể đảm bảo rằng một đội nhóm đang gắn kết, hợp tác cao độ và có cùng chung hướng phát triển để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và làm hài lòng khách hàng?
Bí mật ở đây chính là niềm tin. Và nền tảng cho việc tin tưởng là sự trung thực.
Khi các nhà lãnh đạo điều hành doanh nghiệp bằng sự chính trực, họ có được lòng tin và sự tôn trọng của nhân viên. Họ thể hiện được mình đáng tin cậy và có thể chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Mọi người sẽ cảm thấy an toàn về mặt tâm lý khi có sự hiện diện của những người lãnh đạo thế này, và nhờ đó tầm ảnh hưởng của họ cũng tăng cao lên.
Không phải ngẫu nhiên mà SAS Institute (Công ty phát triển phần mềm phân tích đa quốc gia tại Hoa Kỳ), được bình chọn là một trong những công ty xuất sắc nhất theo tạp chí Fortune (tạp chí kinh doanh đa quốc gia) trong hai mươi mốt năm liên tiếp. Trụ cột vững chắc cho văn hóa doanh nghiệp của họ đó là dựa trên "sự tin tưởng giữa nhân viên và công ty", CEO Jim Goodnight chia sẻ.
3. BẠN DỰA VÀO BẢN NĂNG VÀ TRỰC GIÁC CỦA MÌNH
Các nhà lãnh đạo vĩ đại có thể phát giác các tín hiệu trong môi trường và cảm nhận được những gì đang diễn ra mà không cần thông báo trước. Họ dựa vào trực giác của bản thân để đưa ra các phán đoán và hành động cụ thể.
Đó là kết luận của Rob Goffee và Gareth Jones sau quá trình nghiên cứu chuyên sâu để viết ra cuốn sách “Why Should Anyone Be Led by You?” (Tạm dịch: Tại sao mọi người nên được lãnh đạo bởi bạn?)
Họ nhắc đến những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng này như là những bộ máy "cảm biến tình hình" (situation sensors) tốt. Về bản chất, các nhà lãnh đạo này quan tâm đến việc thu thập và giải thích dữ liệu mềm, phát hiện những thay đổi trong bầu không khí, và đọc được sự im lặng cũng như tín hiệu không lời của những người khác.
Các tác giả nhận thấy những cảm biến này có khả năng đánh giá chính xác liệu các mối quan hệ có đang hoạt động hay không - đúng là một món quà trực giác không phải ai cũng có được.
4. LÝ DO MÀ BẠN LÀM VIỆC VÀ KINH DOANH LÀ ĐỂ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG
Richard Branson, tỷ phú sáng lập Virgin Group (tập đoàn đa quốc gia của Anh) khẳng định, “Việc kinh doanh của bạn sẽ không có nghĩa lý gì nếu như bạn không tạo ra được sự khác biệt đáng kể cho cuộc sống của người khác. Vì vậy, nếu bạn có ý tưởng tạo nên sự khác biệt lớn cho cuộc sống của mọi người, thì hãy tiếp tục nuôi dưỡng và triển khai nó. "
Ngay cả khi không phải là một doanh nhân với ước mơ lớn hay có khả năng thay đổi bối cảnh chính trị doanh nghiệp, thì các nhà lãnh đạo vĩ đại, theo bản năng, sẽ biết cách củng cố sứ mệnh của tổ chức họ đang theo đuổi và làm cho nó trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết.
Họ sử dụng chính sứ mệnh của công ty để tiếp thêm sinh lực cho nhân viên. Họ cấu trúc hóa và chế tạo công việc theo cách của mình để có thể khai thác tối đa nguồn năng lượng này; họ tìm mọi cách để đưa thêm nhiều mục đích và ý nghĩa vào trong công việc của nhân viên sao cho phù hợp với sứ mệnh mỗi người.
Branson cũng nói, "Khi bạn và nhân viên của mình tiếp cận công việc bằng sự cam kết và nguồn năng lượng mới, bạn sẽ thấy rằng có rất ít những thứ mà mọi người không thể thực hiện cùng nhau."
Bây giờ một câu hỏi được đặt ra cho bạn, người lãnh đạo: Các thành viên trong nhóm của bạn có thể mô tả chính xác nhiệm vụ của bạn không? Lần cuối cùng bạn có một cuộc trò chuyện nghiêm túc về công việc của họ gắn với sứ mệnh công ty như thế nào là khi nào?
Theo Saga
Cre: TruongdoanhnhanHBR
----------------------
0 nhận xét:
Đăng nhận xét