Câu chuyện kinh doanh của tôi: Từ 1 người không biết tí gì về kinh doanh đến chủ doanh nghiệp chục triệu đô chỉ trong vòng 4 năm
Hiện tại doanh nghiệp nội thất Kenli do Lan điều hành đang có 7 showroom từ Bắc vào Nam, thương hiệu thuộc Top đầu của ngành nội thất Việt, tất cả đều được Lan xây dựng từ con số 0 chỉ trong vòng 4 năm. Nhiều người nhìn vào sẽ thấy đây là một kết quả đáng kinh ngạc và hỏi tôi xin bí quyết. Tôi muốn nói với bạn rằng không có con đường thành công nào mà trải đầy hoa hồng cả. Tôi đã từng phải trả giá rất nhiều do lối tư duy "Kinh doanh bản năng", không có tí kiến thức gì, tôi cũng đã từng có thời gian quăng mình học tập làm việc không kể ngày đêm trước khi đạt được kết quả như bây giờ. Vậy nên tôi muốn bạn hiểu về câu chuyện kinh doanh của tôi, hiểu rõ giá trị của việc học tập, trau dồi kiến thức nếu quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh này.
Câu chuyện này là câu chuyện được tái hiện lại ở chương trình "CEO chìa khóa thành công phiên bản Những câu chuyện thật" với chủ đề "Kinh doanh - Kỹ năng hay Bản năng" vừa mới phát sóng trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam. Nội dung tuy đã lược bỏ 1 số ngã rẽ và khó khăn nữa, cũng như việc thành lập các doanh nghiệp khác của Lan trên hành trình để giúp người xem không bị dàn trải, nhưng toàn bộ là nội dung thật, hành trình mà Lan đã đi qua. Lan chia sẻ câu chuyện để ace tham khảo nhé:
Năm 2004 thấy thị trường điện thoại di động nở rộ, là 1 cô sinh viên năm 3 tôi bắt đầu dấn thân vào kinh doanh. Vẫn nhớ những ngày đó, suốt ngày tôi có mặt ở phố Đặng Dung - con phố chuyên đồng hồ điện thoại cũ.Tôi lê la ở đó để xem thị trường, tập học cách họ định giá điện thoại cũ, cách họ kinh doanh. Rồi tôi bàn với bố mẹ để mở cửa hàng đầu tiên với số vốn gần 100 triệu (Lâu rồi không nhớ chính xác). Cửa hàng kinh doanh có lãi từ tháng đầu tiên, và liên tục sinh lãi trong suốt quá trình 8 năm kinh doanh. Nhờ kinh nghiệm làm cửa hàng này, bố mẹ tôi cũng giúp đỡ các cô chú, anh em trong họ cùng mở. Giai đoạn đó ở khu Hà Đông, 1 dải gần chục cửa hàng đều do anh em họ hàng nhà tôi làm chủ.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lấy chồng và sinh con đầu lòng. Mặc dù tại thời điểm đó tôi đang làm tại một công ty Nhà nước và trên đà thăng tiến tốt nhưng khi sinh con đầu tôi quyết định nghỉ việc. Tôi mở 1 cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng và thiết bị nhà bếp, tận dụng lợi thế là chồng tôi có công ty là Tổng phân phối mặt hàng này và bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình.
Với kinh nghiệm sẵn có, nắm bắt được tâm lý khách hàng cùng xu hướng thị trường, nên chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động, cửa hàng của tôi đã nhanh chóng đạt mức doanh thu cao. Đam mê kinh doanh trong tôi lại trỗi dậy, thúc giục tôi bước dài hơn.
Giai đoạn khó khăn bắt đầu….
Năm 2011, nhận thấy thị trường nội thất đang rất sôi động, mang lại lợi nhuận cao. Tôi bàn với ông xã thành lập công ty, lấn sân sang thiết kế, thi công nội thất. Chiều vợ nhưng chồng tôi không cùng làm mà chỉ hậu thuẫn tư vấn chiến lược và tài chính cho vợ.
Tôi không ngờ rằng, quyết định đó là mở đầu cho giai đoạn khó khăn, vất vả nhất của tôi: Từ 2011-2014, 4 năm ròng rã loay hoay làm, thay đổi showroom 3 lần, thay đổi mô hình và cách kinh doanh, mỗi 1 lần thay đổi là 1 lần “Như vết dao cứa vào tim tôi”. Tôi là người mới, vừa làm vừa học nghề, tôi không xuất thân từ người học về kiến trúc thiết kế, nên từ mối quan hệ cho đến kinh nghiệm trong lĩnh vực này đều bằng 0. Quá trình cung ứng một đơn hàng kéo dài, lại tùy biến theo từng khách hàng dễ dẫn đến sai sót về tiến độ, rủi ro trong quá trình lắp đặt, tôi lại là người mới nên phải “ném đá dò đường”.
Việc sản xuất tại Việt Nam chưa thực sự phát triển, các xưởng đối tác sản xuất hàng chất lượng và tiến độ không đảm bảo. Tôi lại tiếp tục mở xưởng sản xuất với hy vọng chủ động trong tiến độ và kiểm soát được chất lượng, giúp doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, đây lại là 1 bước đi sai của tôi, khi kinh doanh chưa thực sự tốt, tôi đang chưa lo tốt ở khâu đầu ra, tôi lại tiếp tục ôm khâu đầu vào. Quản lý được đầu này thì mất đầu kia, có lúc tôi chỉ ước gì mình có nhiều thời gian hơn để làm việc. Tôi cảm thấy mình như 1 con rối trong doanh nghiệp của mình, tôi cảm thấy mình như 1 cái cây non giữa phong ba bão táp, tôi thấy mình thiếu hết tất cả mọi kỹ năng, và tôi ước gì mình chưa từng mở doanh nghiệp để có thể được đi làm thuê, được học hỏi xem cách người ta làm doanh nghiệp như thế nào.
Chồng tôi cũng luôn bên cạnh động viên và hỗ trợ tôi làm, doanh nghiệp của anh kinh doanh bán buôn ở thị trường tỉnh, nhưng tôi lại mở bán lẻ ở hà nội, 2 mô hình kinh doanh khác nhau, 2 thị trường khác nhau, nên anh thực sự cũng rất khó để hỗ trợ tôi. Giữa 2014 chính là đỉnh điểm, sau thời gian dài hỗ trợ vợ, chính ngay lúc này chồng tôi cũng quyết định dừng lại, anh không can thiệp hỗ trợ tôi nữa. Tôi đứng trước lựa chọn DỪNG LẠI HAY TIẾP TỤC?
Tự ái và sĩ diện bản thân không cho tôi dừng lại, tôi sợ ánh mắt của mọi người nhìn tôi khi tôi thất bại, tôi vốn trước giờ là đứa con được bố mẹ tin tưởng và tự hào, tôi không thể làm họ thất vọng vì tôi.
TÔI QUYẾT ĐỊNH MÌNH PHẢI BƯỚC ĐI TRÊN ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH...
Người ta vẫn nói, tự vật lộn sẽ tự trưởng thành. Có lẽ việc một mình phải đối mặt với khó khăn của doanh nghiệp, không có sự hậu thuẫn của ông xã đã giúp tôi vượt lên, tự đứng trên đôi chân của mình và tìm được hướng đi phù hợp.
Thay vì tiếp tục lao đầu về phía trước, tôi quyết định lùi lại. Trong những tháng cuối năm 2014, khi các đơn hàng vẫn chạy đủ để nuôi quân, tôi quyết định đi học. Tôi đọc sách, tham gia các khóa học về quản trị, điều hành. Dành toàn bộ thời gian để thu nạp kiến thức. Tôi học tất cả mọi thứ cần học về doanh nghiệp, từ chiến lược kinh doanh, đến Marketing, đến quản trị tài chính, nhân sự. May mắn cho tôi, là tôi có tinh thần học hỏi điên cuồng, cộng thêm gặp đúng những người thầy đã giúp tôi tích lũy cho mình những kiến thức cốt lõi và vô cùng giá trị, cả mới lạ và sâu sắc để giúp hành trang làm doanh nghiệp sau này.
Việc tham gia các khóa học, tôi gặp được bạn bè cùng giới doanh nhân, nghe và tổng hợp các câu chuyện của họ. Dày dặn hơn về kiến thức cộng với kinh nghiệm kinh doanh sẵn có, tôi dần ngộ ra được nhiều điều.
Đầu tiên, tôi nhận ra việc kinh doanh trong suốt thời gian qua của tôi là "Hoàn toàn bản năng". Tôi tham gia một cuộc chơi nhưng lại không thực sự nắm được nguyên lý, luật chơi, mà như thiêu thân, lao vào làm mà không có tính toán. Tôi chưa có kỹ năng của một doanh nhân, một nhà quản trị. Tôi cần phân tích ngành hàng, tìm ra chiến lược dựa vào các con số, chỉ số chứ không phải cứ kinh doanh và hy vọng.
Tôi bắt tay vào phân tích ngành hàng, nghiên cứu doanh nghiệp thành công nhất trong lĩnh vực này họ đã làm gì, đã đạt được thành tựu ra sao, có đáng cho mình dồn lực theo đuổi hay không. Tôi giật mình nhận ra số lượng các đơn vị thiết kế và thi công nội thất tại Việt Nam rất lớn, nhưng đơn vị thành công lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết đều là ”ráo mồ hôi hết tiền”. Chưa kể đến việc cạnh tranh khốc liệt khiến thị trường này trở thành đại dương đỏ. Nếu tôi tiếp tục dấn thân, nguy cơ thất bại là “nhãn tiền”.
Tôi nhìn lại ”vốn” mình đang có. Đó là kinh nghiệm trong ngành nội thất, sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của khách hàng, tôi lại nắm trong tay xưởng sản xuất với đội ngũ thợ lành nghề có sẵn. Ngay lúc này, những kinh nghiệm ngành nghề đã không phụ lòng tôi, tôi đã tìm ra “đại dương xanh” trong thị trường của mình, đó là khai thác thị trường ngách, nhập khẩu sản phẩm nội thất cao cấp bán sẵn theo phong cách hiện đại Ý, dùng xưởng của mình sẵn có với đội ngũ thợ và tay nghề cao là đội ngũ kiểm tra hàng, giao nhận, bảo hành bảo trì và chăm sóc sản phẩm cho khách hàng.
Tôi từng bước triển khai hoạt động kinh doanh mới xen vào hoạt động kinh doanh hiện tại. Tôi làm việc ngày đêm, 1 mặt vẫn quản lý và duy trì công ty với mô hình cũ, 1 mặt khác tôi nuôi 1 đội ngũ làm cùng tôi ở bên ngoài doanh nghiệp, tất cả những người này tôi đều làm việc với họ online và hầu hết vào buổi tối. Sau 6 tháng dự án mới thành hình và sẵn sàng chiến đấu, 5/9/2015 tôi thành lập Công ty Kenli, nhập khẩu các mẫu bàn, ghế với kiểu dáng mẫu mã lạ từ nước ngoài về. Tôi triển khai kinh doanh bài bản chi tiết, làm Marketing rõ ràng, truyền thông đồng bộ nhất quán, tôi không ngờ chỉ sau 1 năm, nội thất Kenli đã được đông đảo cộng đồng thiết kế và khách hàng tin tưởng và ủng hộ.
Thừa thắng xông lên, 2016 tôi có cơ duyên để mở được chi nhánh tại Hồ Chí Minh. Đây là 1 bước đi nối dài cho nội thất Kenli. Bước đi này mang lại tiếp tục thành công cho tôi.
2016, 2017 Tôi có duyên gặp gỡ và đàm phán thành công phân phối độc quyền hai thương hiệu Sofa lớn hàng đầu của Châu Âu tại Việt Nam, và đầu tư truyền thông mạnh tay – điểm yếu của các đơn vị làm nội thất lúc bấy giờ.
Nội bộ doanh nghiệp, tôi xây dựng các quy trình, quy chế cụ thể để hệ thống các phòng ban liên kết chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng và trơn tru. Tôi xây dựng những cơ chế lương mở và khuyến khích người lao động, nên tôi sớm xây dựng được đội ngũ lãnh đạo cấp trung tài giỏi tâm huyết, cùng thế hệ nhân sự cốt lõi ban đầu làm việc đạt hiệu suất cao.
Những bước đi bài bản này đã khiến chúng tôi mặc dù ra đời sau, nhưng nhanh chóng đuổi kịp các thương hiệu lớn nhất trên thị trường. Từ khi thành lập đến nay mỗi năm nội thất Kenli tăng trưởng từ 200% đến 300%.
Cho đến nay, nhiều anh em trong ngành biết Kenli từ ngày đầu lập nghiệp, họ không khỏi ngạc nhiên lý do vì sao Kenli có thể phát triển thần tốc như vậy, tại sao 1 doanh nghiệp đi lên từ con số 0, chỉ trong vài năm có thể trở thành doanh nghiệp Top đầu của ngành nội thất Việt. Tôi vẫn thường nói rằng, Kenli tuy đến 5/9/2019 mới chỉ được 4 năm, nhưng trước đó là chặng đường 4 năm mò mẫm của tôi với ngành nghề này. Giờ đây, tôi thực sự cảm ơn chặng đường 4 năm đó, tôi nghĩ rằng đó là thử thách mà tôi cần trải qua để có thành tựu. Những trải nghiệm đó vô cùng quý giá, nó giúp tôi biết tính toán, biết cẩn thận hơn trước mỗi quyết định của mình, biết trân trọng hơn những gì mình đang có, biết trân trọng những đồng nghiệp, những cơ hội đến với mình.
>> Bài học rút ra là: Chơi bất kỳ trò chơi nào cũng phải biết luật, trò chơi kinh doanh cũng như vậy, mình phải hiểu nguyên tắc, nguyên lý vận hành của nó, cần phải có kiến thức. Đặc biệt, muốn xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh, người CEO phải tự nâng tầm vóc, tự đầu tư phát triển chính mình, doanh nghiệp không thể phát triển vượt tầm người đứng đầu được.
Tôi luôn nhớ có 1 câu nói: "Ông trời thử thách mọi người như nhau, ai kiên trì đến cuối cùng mới là người chiến thắng", và tôi tin tôi không tài giỏi, tôi chỉ thực sự không dừng lại mà thôi.
P/s: Bài dài nhưng là tâm huyết của Lan muốn các ACE trong group có thể hiểu được chặng đường kinh doanh của 1 người làm doanh nghiệp và có thể rút ra cho mọi người những bài học nếu muốn dấn thân vào con đường kinh doanh. ACE comment cho Lan biết cảm nhận cũng như bài học của mọi người qua câu chuyện trên đây nhé!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét