Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

PHÁ SẢN – LÀM SAO ĐỂ ĐỨNG DẬY?

PHÁ SẢN – LÀM SAO ĐỂ ĐỨNG DẬY?

Mình nói tới chủ đề này lúc này không phải là “dọa ma” mọi người lúc đang rối ren như thế này, mà là để “ai đó” nếu có phải đối mặt, thậm chí xảy ra phá sản thật thì có thể bình tĩnh mà xử lý và đứng dậy sau này.

Cách đây hơn 10 năm, chính xác thì 13 năm, mình tốt nghiệp Đại học (hôm nay thì anh chị và các bạn biết là mình 35 tuổi rồi nhé, đỡ tò mò . Là dân học QTKD, mình nghĩ là phải làm … giám đốc mới đúng chuyên ngành, thế là bắt đầu tự kinh doanh.

Trong khoảng 4 năm thì công việc tiến triển kinh khủng và với kiến thức thô sơ của một thằng con trai đang hừng hực khí thế mình đã … rơi tự do.

Có rất nhiều lý do dẫn tới việc kinh doanh của mình rơi vào khủng hoảng, nhưng lý do chính khiến cho “chết nhanh” là vay nợ để kinh doanh (thậm chí là vay nóng).

Tuy nhiên post này điều mình muốn nói không phải là lý do, nguyên nhân tại sao mình phá sản … Mình muốn nói tới chính ngay trước lúc phá sản, lúc và sản và sau khi … phá sản!

Mình có 5 sai lầm chính:

– Vay tiền lãi cao để kinh doanh. Việc này thì nói ra ai cũng mắng chửi, nhưng khi cơn say đang lên, làm 1 lãi 2 thì … vay 1 chút có sao đâu. Mình đã nghĩ thế và cứ tiến lên như con thiêu thân.
– Mình không biết phân tích tài chính nên không biết cách thoát ra, càng làm càng rối. Kiến thức tài chính rất quan trọng!
– Khi mọi việc bắt đầu vỡ, việc ngu nhất của mình là nói dối gia đình mỗi khi cần gia đình giúp đỡ. Mình gần như không bao giờ khai hết số nợ thực tế, làm lãi mẹ đẻ lãi con.
– Không quyết liệt đóng lỗ, cắt lỗ, dừng kinh doanh, để mọi chuyện ngày càng lún sâu.
– Sai lầm nữa là nghĩ mình đứng đầu, mình phải một mình chống chọi. Mình giấu nhân viên tình hình thực sự, giấu gia đình, giấu tất cả.

Nhưng giờ thì mình đã đứng dậy được và mình chia sẻ với các bạn, các anh chị.

Cách đây mấy ngày, một người em đã gọi điện cho mình, cậu ấy gặp khó khăn và nghĩ rằng chắc sẽ phá sản thôi. Mình đã chia sẻ nguyên văn như thế này.

1. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trung thực xem sự việc nghiêm trọng tới đâu. Đừng tự lừa dối mình rằng mọi thứ vẫn ổn, sẽ ổn. Cái đầu lạnh là cần thiết. Phải biết nếu phá sản, mức độ thiệt hại là bao nhiêu, còn lại những gì, âm tiền bao nhiêu.

2. Hãy thật thà. Sau khi biết chính xác mức độ nghiêm trọng, hãy nói chuyện với những người liên quan: nhân viên, đối tác, những người mình nợ tiền – nợ tiền mình và cả gia đình nữa.

3. Tìm đến sự giúp đỡ của gia đình. Mình thật sự đã không phá sản To, nếu ngay từ đầu mình thật thà với gia đình. Mình đã ngại, đã sợ ăn chửi, rất áp lực. Nhưng lần cuối cùng khi mình đã hết cách, mình đã nói với bố mẹ con số thực mà mình nợ, mình vẫn nhớ lúc đó bố mình chỉ nói đúng 1 câu không hơn không kèm “Bán Nhà”. Bố mẹ mình rất giận, rất buồn, rất đau lòng, nhưng đến cuối cùng bố mẹ vẫn là người luôn sẵn sàng đánh đổi hết vì con cái. Tiếc là khi mình để mọi chuyện lún sâu, bán nhà xong thì cả nhà cũng hết sạch tiền, nếu nói ra sớm có lẽ vẫn còn 1 chút.

4. Hãy cố gắng đàm phán nợ, đừng bao gồm phần lãi, phần gốc là được rồi. Đừng ngại ngùng và nể nang. Vì bạn đang phá sản rồi!

Và QUAN TRỌNG NHẤT để có thể đứng dậy:

5. Cố gắng đưa tất cả về con số 0.

Nếu hậu phá sản mà bạn vẫn còn âm, thậm chí âm rất nặng thì việc đứng dậy, vực dậy sẽ khó khăn gấp ngàn lần. Số nợ sẽ là một gánh nặng tinh thần khiến bạn không còn sức lực, không còn dám hy vọng.

Nếu đưa được tất cả về con số 0, bạn có một cuộc đời mới, một tâm trạng mới, thậm chí có thể nói là giải thoát.

Tất cả những gì có thể bán được thì bán hết. Mình vẫn nhớ mẹ mình nói 1 câu mà mình thấy mình ngu cực kỳ ngu. “Lúc này mà mày vẫn còn đi SH, bán SH trả nợ là mày đỡ được chục triệu tiền lãi”. (Lúc đó SH cũ bán đi được gần trăm triệu, mà có những khoản vay mình vay nóng tới 10% tháng).

Mình đã để sự sợ hãi, sĩ diện lấn át. Mình sợ người ta biết mình bán SH đi xe ghẻ, bán nhà đi ở nhà thuê. Và đó là cái sĩ diện ngu toàn diện. Rồi cuối cùng cũng phải bán hết, và trước đó thì vẫn thiệt hại nhiều thật nhiều tiền lãi vì cái sĩ diện hão của mình.

HÃY ĐƯA MÌNH VỀ CON SỐ 0.

Đó là lời khuyên của mình dành cho những ai có khả năng thất bại mùa Covid này, những ai đã biết rằng bản thân mình phá sản và những ai đang còn ở con số Âm.

Là một người Sếp, trách nhiệm của chúng ta rất lớn, những quyết định của chúng ta rất quan trọng và ảnh hưởng tới nhiều người. Lúc mọi việc tốt đẹp, Sếp là người chăm lo cho nhân viên, là tấm gương, là nhân văn.

Nhưng khủng hoảng, tình trạng “thời chiến”, sếp phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với bản thân mình, doanh nghiệp mình. Mọi quyết sách phải tỉnh táo, nhanh gọn và dứt khoát, không có 1s nào cho phép bạn yếu đuối, chậm chạp.

Chúc các sếp Sống tốt qua dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế … hoặc ít nhất là về được số 0.

Theo vietnambusinessinsider

0 nhận xét:

Đăng nhận xét