Người bận rộn có phải là người tài giỏi?
Người nhàn rỗi có phải là kẻ ngốc vô ưu?
Ai cũng muốn thành công, để là người thành công thì phải làm được việc. Người nào càng làm được nhiều việc, tạo ra được giá trị càng lớn cho xã hội thì người đó càng thành công.
Với suy nghĩ trên, không ít người đã tìm đến sự thành công theo cách rất bản năng là tìm ra thật nhiều việc để làm.
Cầu được, ước thấy.
Việc cũ chưa xong, việc mới lại tới. Ngày chỉ 24h nhưng sao lại lắm việc như thế.
Việc nhà.
Việc công ty.
Việc chung/việc riêng.
Và vô vàn các việc không tên khác.
Đang ăn cơm khách gọi. Sắp đi ngủ thì sếp nhắn tin.
Lúc nào cũng kề cận chiếc smartphone vởi vì VIỆC có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Nhìn một người lúc nào cũng tất bật việc nọ việc kia, thấy họ rất ĐƯỢC VIỆC nhưng liệu có khi nào tự hỏi, trong núi công việc đó có bao nhiêu việc thật sự quan trọng giúp họ đạt được mục tiêu. Bao nhiêu thời gian, công sức đã bị lãng phí cho những việc mang lại rất ít thậm chí không góp được thành quả nào cho mục tiêu lớn?
Nếu như họ NHẬN RA sự lãng phí đó, họ có thể có nhiều thời gian hơn, tập trung nguồn lực hơn cho những việc quan trọng giúp họ đạt được THÀNH CÔNG lớn hơn.
Bill Gate từng nói: "Tôi luôn chọn những người lười biếng để làm những việc khó khăn, vì người lười biếng sẽ tìm ra cách dễ dàng nhất để thực hiện nó".
Ý nghĩa trong câu nói trên cũng tương tự như các tư duy:
Luôn có hơn 2 giải pháp cho 1 vấn đề.
Mài rìu trước khi đi đốn củi.
Bịt được lỗ thủng trên thuyền mới ngăn nó không chìm xuống nước. Chưa bịt được lỗ thủng, nỗ lực tát nước chỉ kéo dài thời gian mà thôi.
Đó là tư duy của người biết làm việc thông minh. Biết đâu là việc quan trọng cần tập trung, đâu là việc không quan trọng có thể để sau hoặc bỏ qua không cần làm. Biết phân tích để tìm ra cách làm tốt hơn, nhanh hơn, ít tốn sức hơn.
Một công ty làm việc hiệu quả là công ty ít cần sự can thiệp của người lãnh đạo. Một cỗ máy hoạt động tốt là nhờ một thiết kế tối ưu. Người nhàn rỗi không phải vì họ lười làm việc, mà là vì họ tìm được cách làm việc hiệu quả hơn người khác.
Làm thế nào để trở thành "người lười biếng thông minh"?
Không có cách giải quyết công việc nào nhanh hơn cách KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Muốn đỡ vất vả hơn thì trước hết phải BỎ những việc không quan trọng, tìm ra việc quan trọng để tập trung. Hai câu hỏi sau sẽ giúp bạn phân loại được chúng.
1. Nếu loại bỏ điều này thì tôi có hoàn thành công việc được nữa hay không, có đạt mục tiêu hay không?
Bạn có thể lượt bớt gia vị, hành tỏi, pate, bơ...trong ổ bánh mì (một số người sẽ không thích bánh mì nếu thiếu những thứ đó) nhưng bạn vẫn có một quầy bán bánh mì. Còn nếu không có bánh mì thì bạn không thể có một quầy bán bánh mì được.
2. Điều gì nếu không làm được thì các việc khác không có ý nghĩa?
Khi kinh doanh, nhiều bạn mong muốn cửa hàng/văn phòng của mình thật đẹp, sang trọng, muốn người khác phải trầm trồ khi nhìn vào đó. Sau khi dốc hết vốn vào việc thuê, trang trí mặt bằng, mua sắm sản phẩm, họ mới nhận ra rằng khách hàng chưa biết đến họ. Khi công việc kinh doanh của bạn không được khách hàng biết đến thì việc bạn đã bỏ công làm cho nó đẹp, nó sang, nó tốt thế nào có mang nhiều ý nghĩa nữa hay không?
20% công việc sẽ mang đến 80% kết quả. Tìm ra việc quan trọng và tập trung hoàn thành nó sẽ giúp bạn trở thành người thành công nhàn rỗi. Bạn sẽ có nhiều thời gian để làm những điều tuyệt vời hơn nữa. Tựu chung lại, những ý tưởng sẽ khả thi hơn, khởi nghiệp ít rủi ro hơn nếu bạn biết ưu tiên hoàn thành những việc thật sự quan trọng.
Đừng chỉ biết nỗ lực, hãy tìm cách làm việc thông minh hơn.
Lê Anh Tú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét